Công chức phường Bình Hưng Hòa A (quận Tân Bình) giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân.
Bài 1: Những lực cản chưa được giải quyết
Các địa phương ở cơ sở nói riêng và các ngành, đơn vị nói chung trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh luôn có nhiều cách làm hay để tạo ra hiệu quả vượt trội trong các lĩnh vực công tác, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tuy vậy, sâu sát vào từng địa phương cho thấy, còn rất nhiều khó khăn, hạn chế cố hữu tồn tại nhiều năm qua chưa được tháo gỡ, nên nguồn lực, lợi thế của từng địa phương chưa được phát huy tối đa nhằm phục vụ tốt hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Nhiều cách làm vì dân
Từ đầu năm 2022 tới nay, dù trong giờ nghỉ trưa nhưng UBND phường Bến Nghé vẫn có cán bộ phục vụ tại các quầy thủ tục chứng thực giấy tờ. Anh Nguyễn Tấn Việt, ngụ quận Bình Thạnh cho biết: “Hôm rồi, cần chứng thực gấp để đi công tác, nếu không có cán bộ phục vụ xuyên trưa thì tôi đã trễ chuyến bay vì phải chờ tới giờ hành chính buổi chiều mới hoàn thiện hồ sơ”.
Theo Chủ tịch UBND phường Bến Nghé Lê Minh Phát, từ khi triển khai mô hình này, UBND phường nhận được rất nhiều hồi âm tích cực từ phía người dân khi giao dịch hành chính. Ở nhiều phường khác, các mô hình cải cách hành chính cũng đang tiếp tục phát huy hiệu quả.
Tại UBND Quận 7, để đáp ứng yêu cầu quản trị hành chính, đơn vị này đã nâng cấp ứng dụng “Công chức trực tuyến” giúp lãnh đạo, cán bộ, công chức nắm rõ “lịch trình của văn bản”; theo dõi các chỉ đạo điều hành; tiến độ giải quyết công việc của các phòng, ban chuyên môn; phản ánh kiến nghị; đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức; xây dựng dữ liệu đối với các lĩnh vực kinh tế, quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường, văn hóa, xã hội,... trên địa bàn quận.
Ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, địa bàn rộng, dân số đông như huyện Bình Chánh thì có nhiều mô hình đã thực sự mang lại nhiều thuận lợi cho người dân như: “Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với thủ tục thay đổi, bổ sung, cải chính hộ tịch từ hai ngày còn một ngày” của xã An Phú Tây; “Ứng dụng thanh toán điện tử tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và thủ tục đăng ký” của xã Bình Hưng; hay tại xã Tân Kiên, nhờ ứng dụng công nghệ, người dân chỉ mất một giờ đồng hồ thay vì một ngày khi cần trích lục hộ tịch;...
Không chỉ có các công trình mang dấu ấn tập thể, nhiều lãnh đạo là người đứng đầu đơn vị cũng đã “dám nghĩ, dám làm”, trăn trở với những khó khăn, vướng mắc của đơn vị, người dân, doanh nghiệp trong quá trình điều hành, mạnh dạn áp dụng công nghệ vào điều hành, quản lý để tăng hiệu quả. Nổi bật như Chủ tịch UBND phường Bình Thuận (Quận 7) Nguyễn Minh Thiện ứng dụng công nghệ, mạng xã hội vào giải quyết công việc, giám sát địa bàn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ. Hay Chủ tịch UBND phường An Phú Ðông (Quận 12) Võ Thị Ngọc Lan luôn động viên, khuyến khích từng cán bộ, công chức mạnh dạn tìm cách làm mới trong triển khai công tác quản lý nhà nước.
Những áp lực…
Tại nhiều địa phương tồn tại không ít hạn chế, khó khăn phát sinh trong công tác quản lý nhà nước. Ðó là vấn đề nguồn nhân lực luôn trong tình trạng thiếu hụt, nhiều vị trí đặc thù như công nghệ thông tin đều phải kiêm nhiệm hoặc không có dù yêu cầu về ứng dụng công nghệ phục vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thành phố hiện có 117/312 phường, xã, thị trấn có dân số từ 30 nghìn người trở lên, trong đó sáu phường, xã có số dân hơn 100 nghìn người.
Tuy vậy, số cán bộ, công chức tại sáu phường, xã này cũng chỉ bằng với số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn khác. Ðộ “chênh” nhân sự này khiến khối lượng công việc của cán bộ, công chức địa phương phải “gánh” là rất lớn.
Theo thống kê của Phòng Quản lý khoa học và công nghệ cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi cán bộ, công chức có đến 42 đầu việc liên quan tại công sở, thậm chí họ còn thường xuyên phải “ôm” thêm các công việc “không tên” khác. Ngoài ra, trung bình một lãnh đạo phường, xã, thị trấn thực hiện 500 báo cáo/năm; tham dự năm đến bảy cuộc họp/tuần, mỗi cuộc kéo dài hai, ba tiếng đồng hồ, chưa kể phải tham dự nhiều hội nghị, phát động phong trào, cuộc họp đột xuất khác. Lãnh đạo cơ sở cũng chịu trách nhiệm về việc ban hành 730 văn bản, hơn 1.500 quyết định hành chính khác.
Cách đây không lâu, UBND thành phố từng có báo cáo khẩn gửi Bộ Nội vụ về tình hình cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc; trong đó, sáu tháng đầu năm 2022, thành phố có tổng cộng 676 cán bộ, công chức nghỉ việc theo nguyện vọng. Một trong các nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là áp lực công việc tại công sở. quá nặng nề.
Hiện nay, yêu cầu về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số gần như là bắt buộc, song quá trình thực hiện tại các địa phương gặp không ít khó khăn. Tại nhiều địa phương, hạ tầng để áp dụng chuyển đổi số chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Hệ thống công nghệ thông tin tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính chưa ổn định, thường xuyên xảy ra lỗi hệ thống; các dữ liệu ở cơ sở cũng chưa liên thông với phần mềm chuyên ngành để xử lý nên phải nhập liệu hai lần và khó theo dõi được tiến độ giải quyết các yêu cầu của người dân.
Việc trang bị máy móc phục vụ chuyển đổi số cũng rất khó khăn, UBND phường, xã, thị trấn không chủ động được trong việc trang bị, mua sắm cơ sở vật chất. Mặt khác, các chức danh công chức phường, xã, thị trấn hiện tại chưa quy định về chuyên trách công nghệ thông tin nên các cơ quan thiếu sự chủ động trong quản trị hệ thống cơ sở vật chất, lưu trữ, bảo đảm an toàn thông tin dữ liệu.
Một lãnh đạo phường đưa ra “mơ ước”: Nếu có một cơ sở dữ liệu và quy trình nào đó để phường có thể cập nhật được toàn bộ hoạt động của mình lên rồi cơ quan nào cần có thể truy xuất ngay lập tức thì rất tiện ích. Như thế, thay vì phải gửi các báo cáo, chỉ cần những cú nhấp chuột là vấn đề đã được giải quyết.
Bài và ảnh: Quang Quý
Nguồn: nhandan.vn